Lịch sử Tuyến số 2A (Đường sắt đô thị Hà Nội)

Phát triển

Ý tưởng thực hiện tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông xuất hiện từ năm 2003, khi Hà Đông vẫn còn là trung tâm của tỉnh Hà Tây và là thành phố gần Hà Nội nhất, và hướng đi Hà Đông lại khó mở rộng do vướng các công trình hai bên đường Nguyễn Trãi. Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được kỳ vọng là cầu nối liên kết vùng, để giải quyết áp lực giao thông và áp lực dân số của hai thành phố.[4] Tháng 10 năm 2004, Văn phòng Chính phủ phê duyệt thoả thuận hợp tác xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm Hà Nội - Hà Đông giữa Cục Đường sắt Việt Nam và Tập đoàn Xây dựng đường sắt số 6 Trung Quốc.

Tháng 7 năm 2008, Thủ tướng chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, trong đó có tuyến đường sắt đô thị Hà Nội - Hà Đông.[5] Tháng 12 cùng năm, Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận kế hoạch đấu thầu dự án Cát Linh - Hà Đông mà Cục Đường sắt Việt Nam đã đề nghị.[6]

Thi công

Ga La Khê

Dự án được khởi công xây dựng vào tháng 10 năm 2011, với tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD (8.770 tỷ VND), trong đó vốn vay tín dụng ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc là 1,2 tỷ RMB (169 triệu USD), vốn vay ưu đãi bên mua là 250 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là hơn 2.100 tỷ đồng.[7] Tuy nhiên, những hạng mục đầu tiên của dự án tại hồ Đống Đa và đường Hoàng Cầu đã được tổ chức thi công trước từ tháng 4 năm 2010 nhằm đồng bộ với hạng mục kè hồ, cải tạo thoát nước của thành phố.[8] Dự án dự kiến được hoàn tất vào tháng 6 năm 2014 và đưa vào khai thác thương mại từ tháng 6 năm 2015.[8] Đây là tuyến đường sắt đô thị thứ hai được khởi công, sau khi Tuyến số 3 vừa được khởi công trước đó vào tháng 9 năm 2010.[8]

Năm 2014, Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội trình điều chỉnh dự án và tổng mức đầu tư của tuyến đường tăng lên 868,04 triệu USD (18.001,6 tỷ VND) do thay đổi, điều chỉnh, bổ sung phát sinh so với thiết kế cơ sở, biến động giá nguyên, vật liệu, tỷ giá quy đổi, chế độ chính sách và giải phóng mặt bằng kéo dài nên phía tổng thầu Trung Quốc đề nghị điều chỉnh kinh phí.[9] Tháng 11 cùng năm, một tai nạn thi công trên đường Nguyễn Trãi đã khiên dự án phải đẩy lùi thời gian vận hành thương mại xuống cuối tháng 12 năm 2015.[10][11]

Tháng 12 năm 2014, một dàn giáo tại công trường ga Văn Quán bị sập khiến một taxi bị mắc kẹt, Bộ Giao thông Vận tải đình chỉ thi công dự án trong 1 tháng và yêu cầu rà soát các hạng mục về phương án tổ chức thi công.[12][13] Tháng 7 năm 2015, tiến độ các gói thầu đều chậm và chưa đáp ứng được tiến độ, dự án tiếp tục đẩy lùi thời gian vận hành thưong mại xuống tháng 6 năm 2016.[14] Tới tháng 10 cùng năm, thanh tra của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố hàng loạt vi phạm trong hợp đồng lao động và an toàn lao động của Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện các kiến nghị của Thanh tra và báo cá sau thời gian tối đa 45 ngày.[15] Tháng 9 năm 2016, với lý do biến động giá và chờ Bộ Tài chính thẩm định nên thời gian vận hành đoàn tàu bị lùi sang tháng 10 năm 2017.[16] Tuy nhiên tới tháng 9 năm 2017, do thiếu vốn và China Eximbank vẫn chưa được giải ngân vốn đầy đủ nên tiến độ thi công dự án vẫn đang bị chậm. Nhiều hạng mục như khu depot, nhà điều hành, nhà xưởng đều chưa xong các hạng mục cơ bản, một số nhà ga chưa xong phần xây dựng.[17] Tháng 4 năm 2018, trên cơ sở đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải, Thủ tướng Chính phủ cho phép dự án được vận hành thử nghiệm vào tháng 9 năm 2018 và khai thác thương mại vào cuối năm 2018.[18][19]

Dự án được đóng điện lưới quốc gia từ đầu tháng 7 năm 2018 nhằm phục vụ mục đích chạy thử nghiệm.[20] Tới ngày 20 tháng 9 năm 2018, dự án chính thức vận hành thử liên động toàn toàn tuyến từ ga Yên Nghĩa đến ga Cát Linh và ngược lại, với thời gian chạy thử dự kiến kéo dài từ 3 đến 6 tháng.[21] Ngày khai thác thương mại bị đẩy lùi sang trước tháng 2 năm 2019 (Tết Kỷ Hợi) do còn một số vướng mắc về hoàn thiện hồ sơ để nghiệm thu các hạng mục cũng như toàn bộ dự án. Các vướng mắc này do quy định khác nhau giữa hai nước.[19] Tuy vậy, đến cuối tháng 1 năm 2019, dự án vẫn chưa được nghiệm thu xong và vẫn chưa có chứng nhận an toàn hệ thống. Thàng 2 năm 2019, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết dự án đi vào vận hành thương mại vào cuối tháng 4 năm 2019.[22]

Cuối tháng 4 năm 2019, tuyến đường sắt vẫn chưa thể đi vào hoạt động do còn thiếu sót các hồ sơ kèm theo các hạng mục của dự án. Tính đến tháng 9 năm 2019, thời gian khai thác thương mại chính thức vẫn chưa được công bố.[4]

Nghiệm thu

Đầu năm 2020, Đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) thông báo dự án đang được nghiệm thu các hạng mục xây dựng, thiết bị.[23]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tuyến số 2A (Đường sắt đô thị Hà Nội) http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/06/1506... http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/giao-thong/da... http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinh... http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/thoi-su/thi-c... http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Quy-hoach/526534/kh... http://kinhtedothi.vn/du-an-duong-sat-cat-linh-ha-... http://hanoimetro.net.vn/metro-network/thong-tin-n... http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thoi-su-chi... https://news.cgtn.com/news/3d676a4e35556a4d/share_... https://vnexpress.net/thoi-su/gian-giao-duong-sat-...